Hóa giải nghịch lý nhà ở TP HCM

Hết năm 2020, mục tiêu diện tích bình quân nhà ở 20 m2/người tại TP HCM hoàn thành là thành công lớn, nhưng đây không phải là con số hoàn hảo vì chưa tả thực bức tranh nhà ở.

Anh Nguyễn Minh Thắng – chủ một công ty sản xuất bao bì tại TP HCM – cho hay ngoài căn nhà phố rộng rãi, hiện anh còn sở hữu nhiều căn hộ từ trung đến cao cấp, trong đó có 2 căn ở quận 4 nhưng anh chưa một lần ở. Lý do là anh mua để đầu tư chứ không để ở.

Người dùng không hết…

Mùa này giao dịch bất động sản im ắng, sao anh không cho con cháu ở, để không nhìn phí quá? “Kêu hoài đó nhưng có đứa nào chịu coi nhà giúp đâu. Vì con cháu mình đa phần cũng có nơi ở ổn định. Thôi, cứ tắt đèn để đó, qua dịch bệnh, bán hay cho thuê cho có giá vậy” – anh Thắng nói.

Thực tế, ở TP HCM có hàng ngàn người như anh Thắng và kéo theo đó là cả ngàn căn hộ chung cư tối đèn. Bằng chứng là những ngày này, chỉ cần đi dọc đường Bến Vân Đồn (quận 4) vào ban đêm, ai cũng dễ dàng nhận thấy trong hàng chục cao ốc chung cư, nhìn lên từng ô cửa căn hộ sẽ chỉ thấy vài chục căn sáng đèn. Hay như chung cư nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh) khi vừa ra mắt sản phẩm, số lượng người dân nộp hồ sơ xét duyệt mua cao gấp 5 lần số lượng căn hộ chào bán nhưng khi vào ở lại chưa đến 50%, còn lại là rao bán để hưởng chênh lệch.

hoa-giai-nghich-ly-nha-o-tphcm
Trái ngược với những căn hộ tối đèn không người ở Ảnh: LÊ PHONG

Một chuyên viên Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM cho biết vừa qua, sở nhờ một đơn vị khảo sát độc lập thống kê về thực trạng trong các chung cư, qua đó cho thấy TP có trên 30% nhu cầu mua căn hộ chỉ với mục đích cho thuê, bán kiếm lời. “Để chứng minh điều này có thể kiểm tra trên các trang giao dịch điện tử có hàng chục ngàn kết quả cho thuê, bán căn hộ cao cấp, thuê căn hộ vừa xây” – vị chuyên viên trên nói.

Trên ứng dụng Airbnb (phần dịch vụ cho thuê căn hộ) thống kê TP HCM có hàng ngàn căn hộ đang cho thuê dài hạn. Còn theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, năm 2019 có gần 25.000 căn hộ đưa ra thị trường để bán nhưng nguồn tiêu thụ chỉ hơn 22.600 căn. Ước tính vẫn còn “ế” khoảng 2.400 căn. Chưa kể, các năm trước nhiều người mua để “lướt sóng” kiếm lời, không mua vì mục đích để ở nên căn hộ tối đèn cứ thế gia tăng.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Tập đoàn DKRA Vietnam, cho biết từ năm 2017 đến nay, ở TP HCM thường xuyên xảy ra tình trạng các căn hộ bình dân (hạng C) sụt giảm, nhường thị phần lại cho căn hộ cao cấp và trung cấp. Thậm chí có thời điểm cuối năm 2018, nguồn cung ghi nhận căn hộ bình dân bằng 0% và từ đầu năm 2020 không có căn hộ giá trị thấp nào được bán ra. Tình hình khan hiếm căn hộ bình dân, theo dự báo, có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo. “Điều này phản ánh các căn hộ cao cấp đang rất nhiều và những căn hộ này rõ ràng không dành cho những người cho nhu cầu thực về nhà ở tại TP HCM” – ông Nguyễn Hoàng đánh giá. Theo ông Hoàng, trên thực tế, căn hộ bình dân đáng lẽ chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung giữa các phân khúc vì hàng chục ngàn hộ dân vẫn không có nhà ở. Như vậy mới thấy thị trường nhà ở tại TP nhiều năm qua có biểu hiện bất hợp lý.

… kẻ lần không ra!

Đúng như nhận định của ông Nguyễn Hoàng, ở TP HCM hiện có hàng vạn người đang phải sống trong những căn nhà siêu nhỏ hoặc phải thuê nhà suốt hàng chục năm.

Gặp chúng tôi ở quán cà phê bên bờ kênh Bến Nghé, nhìn lên các căn hộ cao cấp tối đèn trên đường Đoàn Văn Bơ, anh Nguyễn Văn Khoát (31 tuổi, hiện công tác trong một cơ quan nhà nước) cho hay sau 10 năm lập nghiệp tại TP, vợ chồng anh và 2 con vẫn phải ở trọ trong căn phòng khoảng 12 m2 (tính luôn gác), chứ không thể mua nổi căn nhà dù nhỏ. Theo anh, do công việc thu nhập không cao cộng thêm con nhỏ và liên tục trả tiền thuê nhà nên số tiền tiết kiệm không được nhiều. Mới đây, gom góp được 350 triệu đồng, hỏi mua lại những căn hộ chung cư cũ ở quận Bình Tân, giá cũng nhảy vọt với 1,6-1,7 tỉ đồng trở lên. “So với 5 năm trước, các căn hộ đó chỉ tầm 800-900 triệu đồng. Mới đó mà giá đã tăng gấp đôi” – anh Khoát than thở.

hoa-giai-nghich-ly-nha-o-tphcm-1
Rất nhiều gia đình phải sống trong các căn nhà siêu nhỏ giữa trung tâm TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG

Vừa rồi, vợ anh bàn cứ mua lại căn hộ nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh nhưng hỏi giá cũng lên đến 1,2 tỉ đồng theo hình thức cho – tặng vì quy định nhà ở xã hội sau 5 năm mới được phép mua bán. “Thấy quá rủi ro nên thôi, đành đợi nhà nước có chính sách dễ thở hơn” – anh Khoát mong ngóng. Theo anh Khoát, chỉ khi nào thị trường bất động sản thực sự “sạch”, tức không bị đầu cơ, thổi giá thì những người có thu nhập trung bình như anh mới mong có nhà để ở, còn bây giờ chỉ biết nhìn các căn hộ tối đèn mà… thèm!

“Căn hộ bình dân ngày càng hiếm cộng với quỹ đất ngày càng khan nên nếu không có chính sách hợp lý thì tương lai người chưa có nhà hay sống trong khu nhà siêu chật ngày càng tăng là điều dễ nhìn thấy” – ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Tập đoàn DKRA Vietnam, nói.

Tương tự, cả ngàn hộ gia đình sống trong các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở quận 4 và quận 1, cứ nhìn lên những tòa chung cư cao tầng bên bờ kênh Bến Nghé bỏ không mà ước ao. Gặp chúng tôi, những người sống trong con hẻm 16 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) đều nói phải chi được lên đó ở. Họ ước ao cũng bởi ở con hẻm 16 Nguyễn Thái Học này, có rất nhiều căn nhà diện tích chưa đến 2 m2, vì thế trước cửa nhà luôn có những chiếc ghế bố đợi đêm đến bung ra làm giường ngủ.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Em (58 tuổi), ở số 16/21 Nguyễn Thái Học, có tổng cộng 4 người nhưng lại sinh hoạt trong căn nhà có tổng diện tích chưa đầy 4 m2. Ông Em cho hay 2 năm trước, mỗi lần muốn đi vệ sinh hoặc tắm phải đi bộ ra Công viên 23 Tháng 9. Gần đây, gom góp ít tiền đào toàn bộ móng nhà để làm nhà vệ sinh. Như vậy bước vào nhà, mọi người phải đạp chân lên nắp bồn vệ sinh. Kế đó là gian bếp, khi chế biến thức ăn một chân đặt trong nhà, chân còn lại để ngoài đường. Phía trên là 2 gác gỗ xập xệ với đầy đồ dùng sinh hoạt. Nơi nào có thể treo, móc được là có thể làm tủ đồ. Giá nhà đất liên tục tăng cao khiến việc tiếp cận một nơi ở đầy đủ diện tích trở nên xa vời. Khu này nằm trong diện giải tỏa nên chúng tôi chỉ mong được tái định cư quanh đây để tiện bề buôn bán mưu sinh. Phải chi có được căn hộ bên bờ kênh Bến Nghé… – ông Em nói.

Cận kề đó là khu chợ Cầu Muối, quận 1 nơi có hơn 200 căn nhà siêu nhỏ với hàng ngàn nhân khẩu. Mỗi năm, UBND phường Cầu Ông Lãnh ghi nhận thêm hàng chục người đăng ký hộ khẩu khiến nơi vốn đông đúc này càng thêm chật hẹp. Theo tìm hiểu, trước kia đây là khu chợ đầu mối chuyên cung cấp thực phẩm cho TP. Tuy nhiên, sau khi di dời ra khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8), những sạp hàng diện tích 8-12 m2 được chỉnh trang lại làm nhà ở.

Hay như khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) rất nhiều hộ dân đều mơ ước về bữa cơm đầy đủ thành viên gia đình vì không gian không đủ rộng để mọi người cùng ngồi ăn cơm. Ở đây, có rất nhiều người cứ xới xong tô cơm là vội vàng bưng ra đầu hẻm để ăn. Đêm xuống, người này nằm gác chân lên người kia, người khác móc võng trên cao để nhường chỗ.

                                                        Căn nhà siêu nhỏ

Đó là căn nhà nằm nép mình bên đường Đỗ Tấn Phong (phường 9, quận Phú Nhuận) vỏn vẹn 2 m2 nhưng lại là nơi ở của bà Phạm Thị Ngừng (88 tuổi) cùng 7 thành viên khác trong gia đình.

Khi trực tiếp quan sát căn nhà, chúng tôi thật sự bất ngờ. Căn nhà gỗ lụp xụp này chỉ có thể chứa vài vật dụng cá nhân và ưu tiên để kệ thờ ông bà tổ tiên. Bà Ngừng cho biết lúc xưa, căn nhà được 8 m2 nhưng vì chồng bệnh nặng đành bán một nửa lo tiền thuốc. Chưa hết, năm 1996 phải giải tỏa để bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt nên chỉ còn 2 m2. “Hiện nay, chỉ tôi ngủ trong nhà, còn các thành viên khác phải tìm chỗ bên ngoài xung quanh căn nhà để ngủ” – bà Ngừng cho hay.

Nhóm Phóng Viên

Theo Báo NLD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
Call Now Button